Tại khu A của Trung tâm Dưỡng lão Nhân Ái, ông Nguyễn Thanh Long – một người lính năm xưa – thường ngồi dưới gốc cây xoài, hồi tưởng lại những ngày tháng tuổi trẻ lửa cháy giữa bom đạn. Ở tuổi 74, dáng người hao gầy, nhưng ánh mắt ông vẫn sáng lên nét cương nghị, mạnh mẽ như thuở nào.
Tuổi 18 – Hành trang là nhiệt huyết và lý tưởng
Năm 1968, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Long nhập ngũ vào sư đoàn 332. Ông đóng quân tại Quảng Nam, vùng đất khốc liệt với bom rơi, đạn nổ. “Khí thế hừng hực lắm, ai cũng muốn cống hiến, bảo vệ quê hương”. Ông kể lại đầy tự hào.
Sẵn niềm đam mê y khoa từ nhỏ, ông được cử đi học khóa sơ cấp y trong quân đội và trở thành y sĩ quân y. Là nơi mà sự sống và cái chết luôn cận kề. “Cả đội hình Quân y nhỏ bé chỉ có vài người. Nhưng phải gánh trên vai sinh mệnh của hàng trăm, hàng ngàn chiến sĩ.”
Cuộc chiến sinh tử giữa bom đạn
Làm y sĩ trong chiến tranh không chỉ là công việc chữa thương. Mà còn là chiến đấu với giới hạn của bản thân. Ông nhớ lại: “Thương nhất là những người lính trẻ. Tuổi chỉ 18, 19, chưa kịp sống đời mình đã nằm lại nơi chiến trường.” Có những ngày, cả đơn vị ra trận, trở về chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Vậy nhưng, ông và đồng đội không có thời gian để đau buồn. Ông và đồng đội gạt nước mắt, nuốt nỗi đau vào trong. Để tiếp tục giành giật sự sống cho những người còn lại. “Cứu được ai thì mừng, không cứu được thì lòng mình như thêm một vết thương. Nhưng nếu mình gục ngã, ai sẽ đứng lên thay?”
“Cái giá của hòa bình rất đắt”
Hòa bình lập lại, ông Long gắn bó với sư đoàn 332 đến năm 1979. Khi cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam bùng nổ, ông chuyển sang bộ phận Cán bộ Quân chính làm việc tại Gia Lai, Kon Tum. “Lúc đó, tôi vẫn muốn tiếp tục làm y sĩ. Nhưng quân lệnh là trên hết. Dù ở vị trí nào, tôi cũng tự nhủ phải làm thật tốt nhiệm vụ của mình.”
Với ông Long, kỷ luật là sức mạnh và là nguyên tắc sống trọn vẹn một đời cống hiến. Những năm tháng ngồi dưới gốc xoài, khi nhớ lại đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường, giọng ông trầm buồn. Nhưng ánh mắt ông lại ánh lên niềm tự hào khi nhắc về thành quả hôm nay. “Chúng tôi đã trả giá bằng tuổi trẻ, bằng cả mạng sống, nhưng không hối tiếc. Bởi đó là sự lựa chọn của trái tim.”
Tự hào khi lắng nghe những câu chuyện từ ông Long
Tại Trung tâm Dưỡng lão Nhân Ái, ký ức hào hùng của ông Nguyễn Thanh Long, không chỉ là câu chuyện của một đời người. Mà còn là bài học quý giá cho thế hệ trẻ. Những câu chuyện về lòng yêu nước, ý chí kiên cường và sự hy sinh thầm lặng của ông sẽ mãi là ngọn lửa truyền lửa cho mai sau.