Nguyên nhân khiến người già bị rối loạn giấc ngủ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa – Bác sĩ Nội đa khoa – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Đa phần những người già, người cao tuổi thường xuyên gặp phải tình trạng mất ngủ, ít ngủ, khó ngủ vào ban đêm ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

1. Rối loạn giấc ngủ ở người già

Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi là căn bệnh khá phổ biến không chỉ riêng Việt Nam mà còn nhiều nơi trên thế giới. Khi càng lớn tuổi, thói quen sinh hoạt và giấc ngủ cũng thay đổi theo đó. Do vậy, dẫn đến các rối loạn như:

  • Khó ngủ
  • Thời gian ngủ ít hơn
  • Thường xuyên tỉnh giấc từ nửa đêm về sáng
  • Ngủ không ngon giấc

Điều này có thể dẫn đến những lo ngại về sức khỏe như tăng nguy cơ mệt mỏi vào ban ngày hoặc thậm chí là ngất xỉu.

2. Nguyên nhân rối loạn giấc ngủ ở người già

Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở người già.

2.1. Rối loạn giấc ngủ nguyên phát

Rối loạn giấc ngủ nguyên phát – không do bệnh lý khác hoặc nguyên nhân tâm thần:

  • Do suy giảm chức năng: hệ quả của quá trình lão hóa tự nhiên. Khi tuổi càng cao, các tế bào, cơ quan trong cơ thể dần trở nên lão hóa, trong đó các tế bào thần kinh bị hủy hoại và suy giảm chức năng so với người trẻ tuổi gây ra mất ngủ, khó ngủ, luôn cảm thấy buồn ngủ hoặc ngủ không yên giấc.
  • Ngưng thở hoặc hơi thở bị gián đoạn trong lúc ngủ.
  • Hội chứng chân không yên (RLS): cảm thấy rất muốn cựa quậy chân khi ngủ.
  • Rối loạn tứ chi theo chu kỳ hay còn gọi là chân tay cử động trong vô thức.
  • Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học hoặc chu kỳ ngủ – thức bị gián đoạn.
  • Rối loạn hành vi giấc ngủ REM.
  • Mất ngủ vừa là một triệu chứng, vừa là bệnh. Trầm cảm, lo lắng hay sa sút trí tuệ là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là chứng mất ngủ.

2.2. Rối loạn giấc ngủ do các bệnh lý nội khoa

Người cao tuổi thường dễ mắc phải các căn bệnh có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ gây rối loạn giấc ngủ, phổ biến nhất là các bệnh về xương khớp mạn tính với các cơn đau nhức tái phát dẫn đến khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc…

Ngoài ra các bệnh như viêm phế quản mạn tính, ho kéo dài, hen suyễn; các bệnh về đường tiêu hóa như đau dạ dày, viêm đại tràng, đầy bụng khó tiêu, tiểu nhiều về đêm, bệnh tiểu đường… cũng dẫn đến mất ngủ, khó ngủ làm ảnh hưởng tới sức khỏe người cao tuổi.

Một nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến giấc ngủ của người lớn tuổi ở Singapore đã chứng minh rằng những người có vấn đề giấc ngủ thường có bệnh lý đi kèm và ít vận động. Các bệnh này gồm: Parkinson, Alzheimer, đau mãn tính, bệnh về tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, rối loạn đi tiểu…

2.3 Rối loạn giấc ngủ do thuốc

Chậm kinh do tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể gây rối loạn giấc ngủ ở người già.

Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ ở người cao tuổi, chẳng hạn như:

  • Thuốc lợi tiểu cho người bị cao huyết áp hoặc tăng nhãn áp.
  • Thuốc kháng cholinergic dùng cho những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
  • Thuốc hạ áp.
  • Corticosteroid (prednisone) dùng cho người bị viêm khớp dạng thấp.
  • Thuốc chống trầm cảm.
  • Thuốc ức chế histamin trên thụ thể H2 – ví dụ: Zantac hay Tagamet – dành cho bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc loét dạ dày tá tràng.
  • Thuốc levodopa điều trị Parkinson.
  • Thuốc adrenergic dùng trong tình trạng đe dọa tính mạng như hen suyễn hoặc tim ngừng đập.

2.4. Những nguyên nhân khác

Do môi trường: ô nhiễm tiếng ồn, không gian ngủ thiếu trong lành, thoáng mát hoặc nơi ở chật chội… cũng là nguyên nhân dẫn đến khó ngủ, rối loạn giấc ngủ ở người già.

Do chế độ ăn, uống, sinh hoạt không hợp lý: đây cũng là một trong những nguyên nhân thường xuyên dẫn đến mất ngủ ở người cao tuổi. Ăn uống không đủ chất, không đúng giờ, đặc biệt là thường xuyên uống rượu bia, các chất kích thích khác (cà phê, trà đặc, nước uống có ga) cũng dễ khiến cho người bệnh bị khó ngủ, mất ngủ.

Cùng với việc kết hợp triển khai các trắc nghiệm tâm lý, liệu pháp tâm lý chuyên sâu phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị, nhằm mang lại hiệu quả khám chữa bệnh tốt nhất.